Sản phẩm của giáo dục phải là con người tự do
Sản phẩm của giáo dục phải là con người tự do
- 17/11/2020
- Posted by: Gia sư Quốc tế
GSQT – Vừa qua, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học với mong muốn sản phẩm của giáo dục phải là con người tự do.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài tham luận gửi đến hội thảo, đề cập đến những yêu cầu bức thiết phải đổi mới tư duy về giáo dục.
Có hai câu hỏi cơ bản sẽ theo suốt chúng ta trên con đường đổi mới và xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại. Đó là sản phẩm của giáo dục là con người như thế nào? Và cần có một nền giáo dục, một hệ thống giáo dục ra sao để có thể hình thành nên những con người ấy?
Con người tự do
Sự nghiệp giáo dục là nhằm hình thành những con người hoàn thiện hơn, trước tiên là vì mục tiêu chính họ và tiếp nữa là để phù hợp với thời đại mà họ đang sống.
Đó trước tiên là những con người chính nó, tự nó, con người có mục đích, chứ không phải là con người công cụ, sản phẩm thụ động, lệ thuộc, do người khác nghĩ và tạo ra theo các mục đích khác nhau nào đó.
Đó phải là những con người có tính trung thực, lòng nhân ái và tính khoan dung, cao thượng; xa lạ với sự giả dối, thủ đoạn, nhỏ nhen và đố kỵ; giàu tri thức khoa học và thực tiễn, có năng lực tư duy và hành động, phát triển toàn diện và tối đa theo thế mạnh riêng có của mỗi người.
Đó là những con người thật sự tự do, tự chủ, có tư duy độc lập và sáng tạo; không phải là những con người nô lệ, mất tự do và không có khả năng tự chủ.
Họ có đủ bản lĩnh để bảo vệ lẽ phải và các chân lý khoa học. Họ tự do với chính mình và tự do trước mọi sự ràng buộc và lễ giáo hay tư tưởng. Họ ý thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm tham gia làm chủ đất nước, về tinh thần tự do và dân chủ.
Một nền giáo dục thực học
Để tạo môi trường và điều kiện hình thành những con người ấy thì sản phẩm của giáo dục phải như thế nào?
Đó là một nền giáo dục thực học (chứ không phải hư học), nhân bản và khai sáng, tập trung hướng đến phát triển năng lực người, và đương nhiên đó phải là một nền giáo dục có tinh thần dân tộc.
Một nền giáo dục đi vào mục tiêu thực chất về phát triển năng lực người, đó là năng lực của từng người và của cả một cộng đồng, không bị bệnh thành tích, ứng thí, mua danh, nặng về bằng cấp.
Một nền giáo dục nhân bản mà trước tiên là hướng đến hình thành tính trung thực, lòng nhân ái và sự khoan dung.
Một nền giáo dục khai sáng, tích cực giải phóng con người khỏi mọi sự kìm hãm về tư duy để tạo cơ sở cho phát triển năng lực.
Từ đó, mà hướng đến mọi sự sáng tạo thể hiện sức mạnh nội sinh của từng người và của cộng đồng dân tộc.