Ngành giáo dục năm 2020: Nhiều kỳ vọng trước những đổi thay lớn
Ngành giáo dục năm 2020: Nhiều kỳ vọng trước những đổi thay lớn
- 15/11/2020
- Posted by: Gia sư Quốc tế
GSQT – Năm học 2020-2021 đã chính thức bắt đầu – năm mà ngành giáo dục sẽ thực hiện nhiều phần việc có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục. Rất nhiều thay đổi đang chờ ở phía trước với ngành giáo dục năm 2020.
Sẵn sàng cho chương trình mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) đã được công bố và năm học 2020 – 2021 sẽ bắt đầu áp dụng đối với lớp 1 trên toàn quốc. Chương trình có nhiều thay đổi, kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Chương trình GDPTM phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Để chuẩn bị cho chương trình mới, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sách giáo khoa cũng phải đáp ứng được yêu cầu. Công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, công bố phê duyệt sách giáo khoa và từng bước chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình mới đang được song song chuẩn bị.
Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực
Một điểm quan trọng của ngành giáo dục năm 2020 là Luật Giáo dục 2019 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 với những điểm mới cơ bản:
- Làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục.
- Luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH1.
- Bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường
- Quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học.
- Quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm.
- Quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập.
- Quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục.
Kỳ vọng về sự tử chủ rộng mở
Luật Giáo dục Đại học sửa đổi (Luật số 34) được kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho các trường về tự chủ. Luật số 34 quy định rõ chức năng, quyền hạn, tiêu chuẩn, nguyên tắc tổ chức, cách thức hoạt động của Hội đồng trường, đồng thời giao Chính phủ “quy định chi tiết quy trình, thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng trường; việc công nhận miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của Hội đồng trường”.
Luật GDĐH sửa đổi có nhiều quy định nới rộng, cụ thể với việc giao quyền tự chủ sẽ giúp các trường có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo của mình trong tất cả các phương diện hoạt động học thuật, tài chính, nhân sự. Qua đó, ngành giáo dục năm 2020 sẽ thúc đẩy các trường có chính sách hoạt động hiệu quả trong nâng cao chất lượng phát triển, tăng cạnh tranh trong toàn hệ thống và với quốc tế.