Lộ trình săn học bổng sau đại học
Lộ trình săn học bổng sau đại học
- 03/06/2021
- Posted by: Gia sư Quốc tế
GSQT – Để thành công trong Lộ trình săn học bổng sau đại học, bạn cần tham khảo các bước chuẩn bị để có bộ hồ sơ tốt nhất.
Điều kiện cần trong lộ trình săn học bổng sau đại học
Điều kiện 1: Điểm trung bình toàn khóa GPA
Với sinh viên, nếu có ước mơ nhận học bổng toàn phần, bạn hãy phấn đấu đạt GPA tối thiểu 7.0 mới đủ điều kiện nộp hồ sơ. GPA chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ để có thể nhận học bổng và yêu cầu về điểm GPA có thể khác nhau tùy theo chương trình học bổng quy định.
Điều kiện 2: Điểm kỳ thi tiếng Anh quốc tế IELTS/TOEFL iBT
Đa số chương trình học bổng yêu cầu ứng viên đạt điểm IELTS tối thiểu 6.5 hay TOEFL iBT 79. Chuẩn tiếng Anh như trên có thể thay đổi tùy theo chương trình học bổng cụ thể. Tất cả vòng tuyển chọn đều đánh giá khả năng tiếng Anh. Do đó, bạn phải đầu tư tiếng Anh một cách thật sự nghiêm túc để có thể đạt được chuẩn mà chương trình đề ra. Ngoài ra, vài chương trình học bổng yêu cầu ứng viên phải có thêm GRE hay GMAT.
Điều kiện 3: Kinh nghiệm làm việc
Nhiều bạn nôn nóng muốn kiếm học bổng ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, hầu hết các chương trình học bổng chính phủ hay của trường đều yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm làm việc. Một số học bổng yêu cầu nếu nhận được học bổng, bạn phải được sự chấp thuận cử đi học của cơ quan chủ quản.
Thông thường số năm kinh nghiệm làm việc được tính kể từ sau khi tốt nghiệp đại học, một số học bổng cho phép tính luôn cả trong thời gian đang học đại học. Mỗi chương trình học bổng đều có quy định riêng và cụ thể về cách tính số năm kinh nghiệm làm việc, thường dao động từ một đến hai năm. Tuy nhiên, cũng có một số chương trình học bổng không yêu cầu kinh nghiệm làm việc.
Các giai đoạn trong lộ trình săn học bổng sau đại học
Giai đoạn 1: Chuẩn bị
Mục đích của giai đoạn chuẩn bị này là đáp ứng điều kiện cần của các chương trình học bổng. Học bổng du học sau đại học thường có hai dạng chính: Học bổng của chính phủ và các trường đại học trên thế giới dành cho đối tượng muốn theo học thạc sĩ và tiến sĩ. Để ứng tuyển vào chương trình học bổng bậc sau đại học, bạn phải đáp ứng ba điều kiện sau:
- Điểm tổng kết toàn khóa bậc đại học GPA từ 7.0 trở lên.
- Trình độ tiếng Anh IELTS 6.5 hay TOEFL iBT 80 trở lên, ứng viên cũng cần phải đạt điểm GRE hay GMAT tùy theo yêu cầu của chương trình học bổng.
- Kinh nghiệm làm việc tối thiểu từ một đến hai năm trở lên.
Ngoài ra, chương trình học bổng còn yêu cầu các yếu tố khác như kỹ năng lãnh đạo, tham gia công trình nghiên cứu, có bài báo được đăng trên các tạp chí học thuật, đóng góp trong công việc, cho cộng đồng cũng như xã hội…
Giai đoạn 2: Tìm hiểu thông tin
Cùng với việc chuẩn bị, bạn có thể bắt tay vào việc tìm kiếm thông tin chương trình học bổng. Thông tin học bổng thường được công bố trên website các chương trình học bổng chính phủ và của trường, được nhiều kênh thông tin khác chia sẻ lại.
Bạn tìm thông tin rồi chọn chương trình học bổng có ngành nghề và tiêu chí phù hợp bản thân để nộp đơn ứng tuyển. Giai đoạn này tốn thời gian, đòi hỏi phải kiên trì và chịu khó. Bạn có thể tiết kiệm thời gian tìm thông tin bằng cách học hỏi các bạn hay anh chị đã có kinh nghiệm săn học bổng.
Giai đoạn 3: Làm hồ sơ
Sau khi chuẩn bị và tìm được chương trình học bổng phù hợp và đáp ứng điều kiện cần của chương trình đó, các “thợ săn” học bổng có thể bắt tay vào hoàn thiện hồ sơ học bổng theo yêu cầu. Mỗi chương trình học bổng đều có yêu cầu cụ thể của bộ hồ sơ phải nộp gồm các tài liệu nào. Bộ hồ sơ săn học bổng sau đại học bao gồm 4 tài liệu cơ bản:
- Bài luận cá nhân Statement of Purpose (SOP)/Letter of Motivation (LOM): Bài luận cá nhân (SOP) là tài liệu bắt buộc đối với việc nộp đơn xin học cũng như săn học bổng. Bài luận trình bày một cách khái quát mục đích xin học hay xin học bổng.
- Thư giới thiệu Letter of Recommendation (LOR): Các chương trình học bổng thường yêu cầu ứng viên phải nộp từ một đến ba thư giới thiệu. Các LOR được viết bởi những người có thẩm quyền nhằm cung cấp thông tin cần thiết để hội đồng tuyển sinh của trường có thể đánh giá và lựa chọn ứng viên đạt yêu cầu.
- Kế hoạch học tập hay đề cương nghiên cứu (Study Research Objectives/Study Plan/Research Proposal): Trong tài liệu này, hội đồng tuyển chọn yêu cầu bạn hoạch định các kế hoạch và mục tiêu học tập cũng như nghiên cứu, giúp họ có thể đánh giá bạn có phải là ứng viên phù hợp với chương trình hay không.
- Sơ yếu lý lịch (Curriculum Vitae/Resume): Tài liệu cơ bản nhưng không kém phần quan trọng này thể hiện một cách tổng quát những phẩm chất và kinh nghiệm của ứng viên, qua đó hội đồng tuyển chọn có cái nhìn tổng quát nhất về bạn.