7 khác biệt giữa giáo dục Việt Nam và Canada
7 khác biệt giữa giáo dục Việt Nam và Canada
- 12/08/2016
- Posted by: Gia sư Quốc tế
GSQT – Được xem là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, Canada luôn thu hút phần lớn du học sinh quốc tế. Cùng điểm qua những nét đặc trưng trong giáo dục Canada để thấy được điểm khác biệt giữa giáo dục Việt Nam và Canada.
1. Khuyến khích học sinh tự lập: Hầu hết các trường học ở Canada đều khuyến khích học sinh tự lập, tự học, tự làm và tự chịu trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ.
2. Tôn trọng quyền riêng tư: Tại Canada, thông tin cá nhân của học sinh chỉ có học sinh đó và nhà trường được biết. Không có gọi điểm cả lớp sau giờ kiểm tra. Không có bảng xếp thứ hạng hàng tháng gửi cho phụ huynh cả lớp. Không có sự so sánh và “thi đua”. Sự riêng tư đó không dừng lại ở điểm số. Một học sinh có thể bị đánh giá là chậm hiểu hơn các bạn trong lớp, nhưng không có ai, thậm chí cả học sinh đó, biết được sự đánh giá này.
3. Cá nhân hóa chương trình học: Thay vì cố ép học sinh vào cái khuôn và phủi tay hết trách nhiệm, trường học ở Canada luôn cố hết sức để đáp ứng nhu cầu của từng em, sẵn sàng tốn nhiều công sức, thời gian để hỗ trợ một cá nhân riêng lẻ.
4. Không có sách giáo khoa trên toàn quốc: Mỗi tỉnh tại Canada có một cơ quan phụ trách giáo dục riêng. Mỗi quận lại có một hội đồng giáo dục quản lý các trường học trong địa phận của mình. Mỗi trường có các hướng dẫn chung về những nội dung cần dạy. Giáo viên trực tiếp đứng lớp sẽ tự lên giáo án và chọn sách để dạy học sinh. Ở Canada, cha mẹ chịu trách nhiệm chính với việc giáo dục con em mình. Nhà trường và nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cha mẹ. Giáo dục ở đây được coi như dịch vụ công mà nhà nước cung cấp, nhưng cha mẹ và học sinh có quyền phản hồi, đóng góp, thay đổi chương trình học và cả người dạy.
5. Tôn trọng học sinh: Điều này thể hiện qua những hành động nhỏ nhặt như cô giáo ngồi xổm để nói chuyện với học sinh thay vì đứng và nói từ trên cao xuống hay thầy giáo chìa bàn tay to lớn để bắt tay (chứ không phải xoa đầu) làm quen khi những cô cậu lần đầu vào lớp 1. Và quan trọng nhất là giáo viên luôn nói lời xin lỗi.
6. Hỗ trợ kỹ năng miễn phí: Trong các lớp học, thường mỗi học sinh sẽ phải chịu trách nhiệm một tuần. Giáo viên chỉ ngồi dưới nghe, thỉnh thoảng bổ sung, đặt câu hỏi, gợi mở một ý quan trọng. Nếu học sinh thiếu kỹ năng thuyết trình, đọc sách, nhận biết và điều chỉnh cảm xúc bản thân, nhà trường luôn hỗ trợ miễn phí.
7. Không có học phí: Giáo dục ở Canada miễn phí từ năm 4 tuổi cho đến hết lớp 12. Việc theo học đại học cũng khá rẻ. Nhà nước cho gia đình sinh viên vay tiền để học đại học, khi nào ra trường đi làm có lương mới phải trả nợ dần. Nếu lâu quá vẫn nghèo không trả được thì có thể nhà nước xem xét xóa nợ. Nếu cha mẹ bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm để dành cho con đi học đại học từ lúc còn nhỏ, đến năm 18 tuổi, nhà nước sẽ cho không số tiền tương ứng 20% số tiền mà bố mẹ đã tiết kiệm.
Gia sư Quốc tế