Cốt lõi trong nền giáo dục hiện đại là tích hợp các bản sắc văn hóa
Cốt lõi trong nền giáo dục hiện đại là tích hợp các bản sắc văn hóa
- 09/09/2020
- Posted by: Gia sư Quốc tế
GSQT – Sau “cơn sốt” hội nhập và quốc tế hóa chương trình đào tạo, các nhà giáo dục đang tìm về vẻ đẹp nguyên bản của văn hóa. Xu hướng bản địa hóa, tích hợp các bản sắc văn hóa đã trở thành nền tảng cốt lõi trong nền giáo dục hiện đại.
Có thể nói, văn hóa truyền thống là bệ phóng vững chắc giúp phát triển tư duy và kỹ năng cho trẻ, đặc biệt ở độ tuổi mầm non, tiểu học. Trong đó, quá trình tự giáo dục của trẻ diễn ra trong ba môi trường: gia đình, trường học và cộng đồng xung quanh.
Thông qua các mối liên hệ giữa con người với tự nhiên, con người với con người, và con người với chính mình, trẻ dần hình thành nhân cách, thế giới quan, nhân sinh quan và hệ thống tri thức của riêng mình.
Vì văn hóa bản địa thuộc một phần tất yếu trong đời sống trưởng thành, trẻ dễ dàng “học để biết, học để làm, học để chung sống” (mục tiêu giáo dục của UNESCO). Thấu hiểu được mục đích của việc tích hợp các bản sắc văn hóa, nhiều quốc gia đã phát triển khung chương trình đào tạo dựa trên những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Ở Việt Nam, giáo dục văn hóa truyền thống không chỉ đơn thuần mang tính chất “về nguồn” mà phải tiến đến việc thấu hiểu một cách sâu sắc và đúng đắn mặt tích cực của vốn văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, giáo dục cần định hướng mặt hạn chế, không phù hợp, đưa ra phương pháp lựa chọn trong bối cảnh, trong điều kiện xã hội mới.
Trong xu thế toàn cầu hóa, văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc tạo nên giá trị độc lập của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Giáo dục có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống trong quá trình toàn cầu hóa.
Thay vì chỉ chú trọng đến việc tích hợp các bản sắc văn hóa, phát triển kiến thức và kỹ năng, các khía cạnh khác của giáo dục tổng thể phải giúp học sinh nhận thức sâu sắc và có thái độ ứng xử phù hợp về các giá trị xã hội, văn hóa, đạo đức, tinh thần của dân tộc mình.