Người thầy trong thời đại mới
Người thầy trong thời đại mới
- 04/05/2020
- Posted by: Gia sư Quốc tế
GSQT – Vừa qua, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Người thầy trong thời đại mới”.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã bàn luận về người thầy ngày nay.
Máy tính không thể thay thế người thầy
Những năm gần đây, với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin, đã xuất hiện ý kiến cho rằng, vai trò của người thầy sẽ không còn quan trọng như trước nữa. Ý kiến đó cũng có lý do, vì công nghệ thông tin sẽ làm chức năng truyền thụ kiến thức, nhưng về cơ bản thì ý kiến trên không đúng. Vai trò của người thầy trong thời đại mới không giảm đi mà ngược lại còn tăng lên vì giáo dục truyền thụ kiến thức sẽ chuyển sang giáo dục phát triển năng lực. Ngay cả công nghệ thông tin cũng phải vận hành theo những chương trình và nội dung do người thầy lập ra.
Trong mỗi thời đại, ở mỗi quốc gia, người thầy có những đặc điểm riêng, nhưng điểm chung nhất của người thầy ở mọi thời đại là gì? Trước tiên, họ phải là tấm gương về nhân cách, trung thực, nhân ái, tận tâm, có bản lĩnh bảo vệ chính kiến và chân lý, bên vực lẽ phải cho đời, không vướng bận tiền tài và danh vị. Kiến thức và nhân cách là hai yếu tố quan trọng tạo nên dấu ấn của người thầy, tác dụng trực tiếp và mạnh mẽ vào sự nghiệp “trồng người”, truyền cảm các giá trị nhân văn sang nhân cách của học trò.
Người thầy nay và xưa có gì khác nhau?
Thế giới giờ đây thay đổi rất nhanh, thành tựu khoa học công nghệ và kiến thức do loài người tích góp lại đã nhiều vô kể và nâng cao chất lượng, thông tin nhiều chiều, cách tiếp cận đa dạng và đa phương thức.
Công nghệ thông tin sẽ thay thế căn bản chức năng truyền thụ kiến thức của người thầy trong thời đại mới. Khi ấy, người thầy sẽ có nhiều thì giờ hơn để hướng dẫn cho học sinh cách học, phương pháp tiếp cận, tự tìm kiếm kiến thức, cách phân tích và tổng hợp. Học sinh phải trở thành chính họ, với năng lực và nhận thức cao hơn, chứ không phải là kết quả do ai nặn ra theo ý muốn chủ quan áp đặt của người “tạo mẫu”.
Người thầy cần giúp cho học sinh biết tự học, chuyển quá trình đào tạo sang tự đào tạo, có tư duy độc lập và bản lĩnh để bảo vệ các chân lý khoa học và chính kiến của mình. Theo đó, người thầy phải có nhiều hiểu biết về khoa học giáo dục hiện đại, tâm lý học, là nhà giáo dục, nhà văn hóa và nghệ sĩ.